Chia sẻ

Chân đế và tục đế?

4/19/2012 10:32:00 SA


Thưa Thầy, con nghe thầy giảng rằng tất cả các pháp đều có 2 mặt trái-phải tương hỗ cho nhau và luôn cùng tồn tại. Vậy thì minh-vô minh, chân đế-tục đế cũng chẳng thể tách rời nhau được, vì vậy không thể lấy minh mà bỏ vô minh được, vì khi còn muốn lấy bỏ thì lại vô minh mất rồi. 


Tương tự như vậy cũng chẳng thể tiếp xúc với chân đế mà không tiếp xúc sâu sắc với tục đế được. Như người chưa giác ngộ như con thì chỉ thấy tục đế mà chưa thấy chân đế, vậy nếu mỗi giây phút trôi qua mà mình không để ý kỹ bằng chánh niệm tỉnh giác vậy thì mỗi giây phút trôi qua ấy mình đã bỏ lỡ cơ hội giác ngộ rồi đúng không thầy? xin Thầy từ bi chỉ dạy. Vì con tin chắc chẳng thể tìm chân đế đâu ngoài tục đế được. Kính mong thầy luôn mạnh khỏe để đem pháp hạnh phúc tới mọi người!

Trả lời:
Con có nghe nhầm không? Trong pháp chân đế nghĩa là pháp tánh tự nhiên thì mới luôn tồn tại 2 mặt không thể lấy bỏ. Còn tục đế là pháp quy ước chế định do khái niệm không thực tạo ra thì nó có tồn tại thực đâu mà lấy hay bỏ. Vô minh là chấp tục đế có thực nên không thấy chân đế và tự chuốc lấy phiền não khổ đau. Minh là thấy ra tục đế không thực có, nó chỉ là ảo tưởng, do đó chân đế hiển bày chứ đâu cần lấy hay bỏ. Ví dụ như Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm, vì vậy không biết mình là bướm hay Trang, bởi vì Trang Tử muốn nói rằng cả bướm và Trang đều cũng chỉ là cái ảo của tục đế. Khi vô minh thì chấp có bướm có Trang, khi minh thì thấy cả bướm lẫn Trang đều là ảo, và ngay đó Trang cũng đồng thời thấy ra chân đế tự nhiên. Nếu con chưa thấy chân đế thì những lý luận của con chỉ mất thì giờ vô ích mà thôi! Còn nếu con thật sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì đã thấy ra chân đế rồi còn lý luận làm gì nữa? Vậy con hãy xem lại con đang chánh niệm tỉnh giác hay đang tìm ảo tưởng trong ảo tưởng "vì con tin chắc chẳng thể tìm chân đế ngoài tục đế được".

Con đừng nhầm quan niệm đó của con với lời Lục Tổ Huệ Năng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" chứ? Câu nói nổi tiếng này có nghĩa là giác ngộ được tục đế là ảo tức thấy chân để hoặc đã thấy chân đế rồi thì không còn cho tục đế là thực nữa, chứ không phải chân đế nằm trong tục đế hay ngược lại. Tóm lại, thầy thành thật khuyên con nên hiểu chân đế và tục đế là gì, ít nhất là trên nghĩa thôi chứ chưa cần trên lý trước khi nói "chẳng thể tìm chân đế ngoài tục đế được".

Kính thưa Thầy, Con xin hỏi thêm về vấn đề Chân đế và Tục Đế mà 1 bạn đã nêu lên, rằng ta không thể tìm chân đế ngoài tục đế. Thưa Thầy con cũng nghe một số thầy khác dạy rằng ta nhờ nhìn qua sóng (tục đế) mà thấy được nước (chân đế), và nếu ta bỏ sóng (tục đế) thì ta cũng mất luôn nước (chân đế). Kính xin thầy hoan hỷ chỉ dạy và soi sáng thêm cho con được hiểu về điểm này. Thành thật cám ơn Thầy.

Trả lời:
Sóng và nước đều là chân đế chứ ai có ảo tưởng phân biệt nước là chân đế sóng là tục đế? Chính ảo tưởng phân biệt này chế định ra khái niệm của lý trí vọng thức rồi gán vào cho sóng và nước mới là tục đế thôi. Ví như tâm người sợ rắn thấy sợi dây là con rắn, hay người đi trong sa mạc khát nước thấy huyễn cảnh sông nước mênh mông. Thực tánh của sợi dây không phải là ảo tướng con rắn, thực tánh của sa mạc không phải là huyễn cảnh nước sông. Vì tin con rắn ảo là thật nên bỏ chạy khiến càng sợ thêm, vì thấy nước ảo là thật nên chạy đi lấy khiến càng khát thêm, đó chính là thái độ của vô minh ái dục. Khi nhận ra tướng con rắn là ảo thì thấy ra thực tánh của sợi dây nên không còn sợ hãi, đó chính là thái độ của minh giác, Niết-bàn.

Con ạ, không phải thầy nêu ra vấn đề để lý luận đâu, lý luận thì không bao giờ cùng, thầy chỉ muốn giúp các con trực nhận ngay nơi chân tánh của pháp mà thấy ra sự thật, đường vin vào khái niệm ngôn ngữ chế định của tục đế mà tìm kiếm chân lý. Hãy thận trọng, chớ có phóng dật theo cái ta lý trí đầy khái niệm ảo tưởng.

trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét