Con xin kính lễ Sư,
Đầu thư con xin được hỏi thăm sức khoẻ của Sư và Thiền sư. Con mong Sư và Thiền sư (Ngài Sayadaw U Jotika) luôn được an vui và khoẻ mạnh.
Vừa rồi con có sắp xếp tham gia khoá thiền Tứ Niệm Xứ 7 ngày tại Hà Nội do Thiền sư Revata hướng dẫn. Sau khi rời khoá thiền vì có những thắc mắc về pháp hành nhưng con không biết hỏi ai, con xin mạo muội gởi email hỏi sư. Con mong sư với tâm từ sẽ trả lời câu hỏi cho con… Con xin cám ơn sư rất nhiều!
1. Cuộc sống sau khóa thiền: Khi ở khoá thiền mọi người giữ yên lặng thánh thiện, mọi việc ăn ở của thiền sinh được phục vụ rất chu đáo. Dù trong quá trình hành thiền có những trở ngại như đau, phóng tâm, hôn trầm nhưng nhìn chung con đạt được nhiều an lạc. Khi vừa rời khỏi khoá thiền về Sài Gòn, con vấp ngay một ông tài xế taxi phục vụ kém lại vòi vĩnh thêm tiền. Lúc đó con vẫn bình tâm cho thêm tiền nhưng sau đó tâm sân nổi lên rất to. Con không ngờ mình sân đến vậy thưa sư, đến nỗi đi ngủ rồi còn nghĩ đến chuyện đó và còn định sáng mai sẽ gọi điện thoại đến công ty taxi than phiền về tài xế đó.
Sáng hôm sau thì cơn sân xẹp dần rồi hết, con không làm gì cả. Vấn đề ở đây con gặp là con thấy con dễ nổi sân hơn, ví như con đang còn cái đà im lặng để chánh niệm thì về nhà con phải nói năng bình thường như trước - thế là nói hơi nhiều cũng sân. Hay gặp những chuyện thường ngày con dễ nổi sân hơn, cảnh sống gia đình chung có nhiều người và các em bé nhiều ồn ào, bề bộn, tâm cứ so sánh với những phút giây an lạc ở trường thiền. Con biết thái độ của mình như vậy là không đúng nhưng nó cứ đến như vậy một cách tự nhiên, con không cản được. Từ từ con cũng trở lại thích nghi hơn nhưng vẫn không giống như lúc trước.
Con mong sư cho con lời khuyên ạ. Con nghĩ mình tu tập thì tâm mình phải an lạc hơn lúc trước chứ không phải dễ nổi sân hơn như thế này.
2. Vấn đề sống độc cư: ý nghĩ sống riêng một mình thôi thúc trong con những lúc con ở trường thiền. Sống riêng sẽ dễ tu tập hơn, điều đó con đã từng nghe nói. Sống riêng đòi hỏi sự tự lập nhiều hơn, dũng cảm và lo toan nhiều hơn. Có thể sẽ mệt mỏi hơn, hoặc buồn chán nhưng chắc tâm sẽ bình an hơn, con nghĩ vậy.
Cái tâm con nó không kham nhẫn đủ có đúng không thưa Sư? Vì bất mãn với hiện tại sống chung trong gia đình nên nó mơ tưởng đến cái đang không có? Như ai đó có nói: tu ở rừng dễ hơn hay tu ở chợ dễ hơn? Con chưa đủ sức để mua một căn chung cư để tách ra sống riêng bây giờ… Cha mẹ con đã già nhưng vẫn muốn sống chung với anh và chị dâu cùng các cháu, muốn có tiếng cười tiếng khóc trẻ nhỏ dù cái giá đổi lại phải là thân già đi đưa rước các cháu đi học hay chăm lo bữa ăn cho các cháu…
Khi con từ trường thiền trở về mẹ con hỏi ” con đi có nhớ nhà không?”, con nói” không nhớ, có gì đâu mà nhớ”. Mà thật sự là vậy, con không nhớ nhà lúc hành thiền, chỉ nhớ đến những gì con còn dính mắc lúc hành thiền ở đó như một ca bệnh nhân khó ở nhà đang chờ chẳng hạn…
Mẹ im lặng một lúc rồi hỏi: ”Con cũng không nhớ mẹ à?”, con im lặng vì biết nếu nói thật có thể mẹ sẽ buồn. Vậy đó, cái dính mắc vẫn còn rất sâu nặng thưa Sư. Con thừa nhận con chưa từ bỏ được dính mắc với mẹ con. Tiền mua nhà riêng là một việc nhưng dính mắc với cha mẹ già là điều lớn hơn. Từ từ con muốn cha mẹ được biết về chánh pháp và làm các thiện pháp. Con hướng dẫn mẹ không sát sanh khi đi chợ mua thức ăn, dẫn mẹ lên chùa Viên Không đảnh lễ ngài Hộ Pháp, tạo cơ hội bố thí cúng dường các thiện pháp… Con cứ bị các mâu thuẫn như vậy giằng qua giằng lại trong tâm như vậy đó Sư ạ… Có lần con bày tỏ ý định ra riêng thì mẹ bảo “con sống như vậy rồi già bệnh tật ai lo?”, con phải trả lời mẹ con ra sao thưa Sư?
Cuối thư con xin cám ơn Sư lần nữa vì đã bỏ thời gian đọc email dài này của con. Con mong sẽ nhận được hồi âm của Sư!
Thư trả lời của Sư Tâm Pháp
Con thân mến!
Sư đã đọc kỹ thư của con, những vấn đề của con là vấn đề chung của nhiều thiền sinh Việt Nam, và Sư viết bức thư này cũng là để trả lời cho các câu hỏi và vấn đề tương tự như của con mà rất nhiều người đã và đang hỏi Sư.
Tu tập không chỉ là ngồi thiền. Đây là một điều người tu tập, dù là tại gia hay xuất gia cần phải hiểu thật thấu đáo. Có người cũng đồng ý rằng còn có những sự thực hành khác cùng với thiền trong quá trình tu như là giữ giới, các loại quán tưởng, tích lũy kiến thức pháp học… nhưng họ vẫn cho rằng sự thực hành đó là phụ, để hỗ trợ cho thiền mà thôi.
Nên nhớ, trong toàn bộ kinh điển Pali không có một chữ nào mang nghĩa “thiền” như trong thuật ngữ Phật học của Việt Nam. Chữ “thiền” là vay mượn của Trung Quốc, dịch âm là thiền-na từ chữ Jhana trong tiếng Sankrit. Kinh điển Trung Quốc được dịch từ tiếng Sankrit (Phạn) chứ không phải tiếng Pali. Sankrit là ngôn ngữ của các giáo sỹ Bà-la-môn ngoại đạo. Đức Phật không thuyết pháp bằng ngôn ngữ Sankrit vì trong đó có quá nhiều khái niệm của Bà la môn, và cách xa ngôn ngữ bình dân của đa số quần chúng. Qua nhiều lần chuyển ngữ và qua nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau (Bà la môn, Đạo giáo, Khổng giáo, tín ngưỡng dân gian), chữ thiền ngày nay đã là một khái niệm rất xa lạ. Ngôn ngữ Pali Đức Phật sử dụng để dạy đạo chỉ có từ bhavana, nghĩa là tu tập, hoặc jhanati, nghĩa là thiêu đốt phiền não.
Chính sự chú trọng quá mức vào thiền, như một “con đường duy nhất” nhất định phải đi này, làm cho cách hiểu, và do đó, sự thực hành Pháp của chúng ta bị lệch lạc, hạn hẹp và mất cân bằng nghiêm trọng. Sự lệch lạc đó thể hiện ngay ở chỗ là chúng ta không mang được Chánh Pháp vào cuộc sống thực tế của mình. Có sự phân cách sâu sắc giữa cuộc sống thực tế và những lúc hành thiền ở các khóa thiền tích cực, nơi mà chúng ta vẫn cho rằng “ở đó mới thực sự là tu”. Sự phân cách đó mang đến nhiều hệ lụy, như là sự bất mãn khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày, sự mong ngóng, không sống trong hiện tại và suy nghĩ rằng phải thu xếp 1 cuộc sống như ở thiền viện, một môi trường như ở khóa thiền tích cực…thì mới là tu.
Và vô hình chung, trong tâm chúng ta đặt ra mục tiêu là phải thu xếp cuộc sống của mình được giống như môi trường “lý tưởng” trong thiền viện thì lúc đó mới thực sự tu, và khi đó mới bắt đầu “tu”. Thời gian ngoài cuộc sống là phí hoài, vô nghĩa và mòn mỏi, và nội tâm đầy xung đột, dằn vặt giữa 1 cuộc sống thực tế đầy bất mãn hàng ngày mình vẫn phải sống, mà chưa đủ sức để dứt bỏ, và nỗi khao khát, khắc khoải về một cuộc sống tu tập lý tưởng kia.
Cuộc sống như vậy không phải là một cuộc sống thuận Pháp.
Một hệ lụy khác, như con cũng đã thấy, là sự dính mắc vào các trạng thái an lạc tạm thời, sự an lạc bị lệ thuộc nặng nề vào các điều kiện hỗ trợ bên ngoài như môi trường thanh tịnh, yên lặng, nội quy, cộng đồng tu, thầy hướng dẫn, các nhu cầu ăn, ở… là những điều kiện khác xa và hầu như không thể có được trong cuộc sống thực tế ngoài đời. Sự dính mắc vào an lạc và so sánh với cuộc sống phiền não ở nhà, ở cuộc sống đời thường làm trầm trọng thêm sự bất mãn và định hướng lệch lạc về sự tu tập của những thiền sinh nghiệp dư. Biết thế, nhưng không tránh được, không thoát được. Đó là vấn đề lớn của con và nhiều người Phật tử-thiền sinh khác.
Nói về thiền: Cả thiền chỉ mà con đang thực hành cũng như thiền quán Vipassana đều được bao hàm trong kinh Tứ Niệm Xứ, có thể gọi chung là thiền chánh niệm. Chánh niệm là một chi phần trong 8 chi phần của Bát Chánh đạo... Bát Chánh đạo như thanh kiếm xé rách màn vô minh, thì Tứ Niệm xứ giống như phần mũi nhọn của thanh kiếm ấy.
Thực hành Bát Chánh đạo chính là sống thuận pháp.
Thực hành cụ thể các chi phần của Bát Chánh đạo như thế nào, điều chỉnh ra sao cho phù hợp với căn tánh, lúc nào thích hợp để chú trọng phần nào, sử dụng những phương tiện nào, cảnh báo khó khăn và vượt qua khó khăn ra sao…đều cần dựa trên sự quan sát và khuyên dạy của vị Thầy dạy pháp hành cho mình.
Người Thầy ấy, dựa vào kinh nghiệm và sự quan sát của mình, sẽ giúp người đệ tử cách thực hành thích hợp nhất. Về mặt này, Đức Phật là bậc thầy tối thượng. Cách giảng dạy của Ngài, các đề mục ngài chỉ định đều là những điều thích hợp và hiệu quả nhất với các đệ tử may mắn thọ giáo trực tiếp từ ngài. Không những dựa trên sự hiểu biết về căn tánh của người đệ tử, ngài còn dựa trên những hiểu biết về những kiếp trước của đệ tử, những hiểu biết khác từ giáo hóa thần thông mà chỉ riêng ngài mới có...
Hãy tìm đến một vị Thầy xứng đáng để nương tựa, học hỏi con ạ. Hành trình tâm linh nên bắt đầu từ nơi ấy...
Sư mong con có nhiều nghị lực và tâm quyết định để sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa. Chúc con an lành và sớm tìm được con đường đúng cho cuộc đời quý giá của mình.
Với tâm từ của sư.
Thầy Pannissar (Sư Tâm Pháp) - Trích Thư Thầy Trò
0 Nhận xét