Cận tử nghiệp và cách hóa giải

5/13/2019 07:59:00 SA

...Kính thưa Thầy, như trong trả lời của Thầy về vấn đề này lần trước nếu con nhớ không lầm thì sư có nói đến trong trường hợp người mất lưu luyến người thân hay còn bị mắc kẹt vào một lý do gì đấy mà ở lại quá lâu thì càng ngày càng khó siêu thoát hay tái sinh sang các cõi lành khác. Vậy theo con hiểu càng ở lâu năng lực của người này càng giảm và yếu đi đúng không ạ?
Theo con hiểu truyền thống dân gian thường cúng 49 ngày để trợ thêm năng lực cho người chết có thể siêu thoát về các cõi lành hơn. Có phải đây là ý nghĩa của tục cúng 49 ngày? Và còn tục cúng giỗ ba đời của con cháu thì cũng có ý nghĩa nào đấy gần gần tương tự?
Việc tái sinh của người chết về đâu phụ thuộc vào trạng thái tâm của người đó ngay trước lúc mất và phẩm chất tâm của người đó được thanh lọc qua cuộc sống đến đâu, nhiều ít phiền não hay ô nhiễm không?
Và về cơ bản khi còn ở trong luân hồi thì các giải pháp như vậy cũng chỉ là tạm thời thôi đúng không ạ?
TRẢ LỜI:
1) Người chết thường bị trói buộc vào chính nghiệp quá khứ và tâm tưởng cuối cùng của mình, do đó những người tâm bị dính mắc phải còn ở lại dưới hình thức Peta hay Asura như thầy đã nói. Bao lâu người chết còn tồn tại trong cảnh giới này thì ngày càng trở nên đau khổ hơn vì sống trong cảnh không như ý mà không làm gì được. Họ không đủ phước để tái sanh vào những cảnh giới tốt hơn, nên đang cần thân nhân làm phước hồi hướng cho họ. Nếu phước hồi hướng đủ để họ phá được tâm tưởng tiêu cực thì họ có thể thoát ra khỏi cái thân do tưởng sinh ấy, và được tái sinh cảnh giới tốt hơn. Nếu cúng thất, chung thất, trăm ngày hay cúng tiểu tường, đại tường v.v. với mâm cao cỗ đầy hoặc tụng kinh cầu siêu, trai đàn chẩn tế... mà không có tâm lực và phước lực để hồi hướng thì người chết cũng không hưởng được gì cả.
2) Tâm tục sinh (Patisandhi) tùy thuộc vào nghiệp quá khứ và tâm tưởng cuối cùng của tử tâm (Cuti) lúc lâm chung, gọi là cận tử nghiệp. Do đó, chỉ có thể trợ giúp đươc thân nhân trong khi đang hấp hối bằng cách tạo điều kiện cho cận tử nghiệp hướng thiện hoặc thanh tịnh là được. Và trong suốt thời gian trước khi chết cho đến sau khi chết thân nhân cần thành tâm làm phước để hồi hướng thì có thể trợ duyên cho người chết không bị mắc kẹt vào cõi Peta và Asura. Thân nhân hết lòng trợ duyên là tốt rồi chứ không làm sao thay phước hay chữa tội cho người chết được.
* * *
Kính bạch Thầy, con đã được nghe rằng trước khi lâm chung thì toàn bộ những việc mình đã tạo ra trong quá khứ đều hiển hiện trong giấc mơ giống như một cuốn phim quay lại rõ ràng chi tiết. Điều này gây tác động đến tâm thức người sắp chết khiến cho người đó khi chết có thể đoạ lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vậy có cách nào hoá giải không vì những sự ác đó đã trong quá khứ rồi sám hối có thể được không? nếu có thể hoá giải thì giải thích luật nhân quả thế nào? Vậy nên làm thế nào với những gì đã gây ra trong quá khứ (như việc phải bỏ thai ngoài ý muốn). Những việc như vậy khiến cho trong lòng ray rứt mãi. Nên làm thế nào để buông xả được? Và hoá giải nghiệp thế nào đây. Mong Thầy chỉ dạy cho con đường sáng để lúc cận kề cái chết không bị ám ảnh.
TRẢ LỜI:
Cận tử nghiệp thì không hoá giải được, nhưng thái độ tâm đối với cận tử nghiệp thì có thể. Vì vậy nếu ngay từ bây giờ con thường biết chánh niệm tỉnh giác thì lúc đó dù cận tử nghiệp là gì con vẫn có thể chánh niệm tỉnh giác thì không bị lôi cuốn theo những cảnh tượng đó. Còn việc phá thai thì con nên sám hối và làm phước hồi hướng cho hương linh của thai nhi để chuộc lại lỗi lầm là được.
* * *
...Thưa Thầy, xin Thầy cho con được hỏi, thường nghiệp và cận tử nghiệp bên nào mạnh hơn? Vì các Thầy cho ví dụ khi giảng về giáo lí của nghiệp con thấy cái nào cũng có lí cả.
  • Thường nghiệp: Nếu cả đời ta làm việc thiện hoặc ác, như thân cây nghiêng về một phía, khi bị chặt cây nhất định ngã về bên nghiêng.
  • Cận tử nghiệp: Trong chuồng bò, con bò già sức yếu nhưng may mắn đứng gần cổng chuồng, khi mở cổng thì con bò già sẽ chạy ra trước.
Theo con được biết cận tử nghiệp mạnh hơn. Nhưng thưa Thầy, cả đời làm điều thiện, chỉ vì một chút niệm bất thiện lúc lâm chung mà phải đọa tái sinh vào đường xấu thì uổng quá! Xin Thầy từ bi giảng cho con hiểu rõ hơn hơn.
TRẢ LỜI:
Đôi khi cận tử nghiệp chính là thường nghiệp không chừng. Nhưng vấn đề không phải là nghiệp nào mạnh mà khi lâm chung thái độ tâm như thế nào đối với các nghiệp ấy mới là yếu tố quan trọng quyết định thức tái sinh.
* * *
Thưa Thầy, một người anh làm chung của con vừa bị đột quỵ chết sáng nay, mọi người nói anh chết như vậy là tốt vì nằm ngủ xong là ra đi luôn, không biết gì như vậy là tốt, là có phước. Nhưng con thì không nghĩ vậy. Mong Thầy chỉ dạy cho con được thấu rõ ạ.
TRẢ LỜI:
Không quan trọng là chết kiểu gì, chủ yếu là thái độ tâm lúc cận tử nghiệp như thế nào mới biết được tốt hay xấu. Nếu một người đột quỵ chết trong khi tâm anh ta đang dính mắc một điều gì đó, chẳng hạn như một dự án chưa thực hiện, một mối quan hệ chưa thỏa mãn v.v... thì không thể nào tốt được.
Nếu trước tai nạn người này đã tu tập đúng tốt thì khi cận tử nghiệp tới sẽ tốt vì do có tu tập nên tâm họ đủ bình tĩnh khi đối diện với bất cứ điều gì lúc lâm chung.

* * *
Thưa Thầy, cho con hỏi là làm thế nào để tâm không dao động, không sợ hãi trước lúc lâm chung ạ? Vì hiện tại con vẫn luôn quán tưởng đến cái chết với tâm thanh thản để đón nhận nó. Con chỉ sợ đến lúc lâm chung do đau đớn trong bệnh tật hay tai nạn bất ngờ con lại loạn tâm và hoảng sợ làm mất chánh niệm ạ. Kính mong Thầy khai ngộ giúp con ạ. Thành kính tri ân Thầy!
TRẢ LỜI:
Con thường niệm sự chết với tâm thanh thản như vậy là tốt rồi. Còn sợ chết trong những tình trạng đau đớn khó giữ chánh niệm chỉ là tưởng tượng thôi. Tâm thường niệm sự chết thì đến lúc lâm chung niệm sẽ tự đến không cần con niệm nữa. Thực ra chính lúc đau đớn lại dễ chánh niệm hơn, giống như một người đang ngồi mơ mộng hảo huyền bỗng ai đánh cho một cái thật đau liền giật mình quay về với thực tại vậy. Dù một người bị tai nạn chết ngay tại chỗ, trên thực tế tâm thức người ấy vẫn trải qua cận tử nghiệp, như một cuốn phim nhiều tập trong nháy mắt và còn trải qua tiến trình tử tâm rồi mới chết nên con đừng lo không kịp chánh niệm được, trừ phi con sống hàng ngày không chánh niệm...
Thầy Viên Minh - Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét