Bài viết

Tại sao chúng ta quên những tiền kiếp ?

2/17/2012 06:29:00 CH

Khi ta nói đến luân hồi, câu hỏi thường nghe: “Nếu tôi đã sinh ra ở cõi trần kiếp trước, tại sao tôi không còn nhớ chi cả?” Xét sơ qua những việc đã xảy ra cũng đủ trả lời cho câu hỏi đó.

Chúng ta hãy để ý kiếp hiện tại, những điều ta đã quên vẫn nhiều hơn những điều ta còn nhớ. Nhiều người không thể nhớ mình đã có tập đọc, nhưng họ biết đọc chứng minh rằng họ đã có tập đọc. Những việc xảy ra hồi còn bé thơ đã xoá mất trong ký ức của ta, nhưng chúng nó còn để lại những dấu vết trong tánh tình chúng ta. Người ta quên rằng mình đã té lúc còn ấu thơ, nhưng không tránh khỏi tật nguyền, mặc dầu chúng ta vẫn dùng một xác thân nầy trong khi đã xảy ra những biến cố, mà bây giờ ta đã quên.

Những biến cố nầy không hoàn toàn mất hẳn đối với ta. Nếu một người kia bị thôi miên, thiếp đi, y sẽ thuật lại những điều y đã làm hồi nhỏ, người ta thấy những điều ấy bị chôn lấp trong ký ức chớ không phải tiêu mất. Chúng ta gặp nhiều trường hợp, những người sốt rét nặng, trong cơn mê sảng nói một thứ tiếng mà họ biết lúc nhỏ, nhưng khi lớn lại quên đi. Phần lớn tiềm thức của chúng ta gồm những kinh nghiệm ẩn tàng như thế; ấy là những hồi ức bị lảng quên, tuy vậy cũng có thể hồi phục được. Nếu những điều kinh nghiệm trong xác thân nầy là đúng thì những điều kinh nghiệm trong những xác thân trước đã chết và tan rã không biết bao nhiêu thế kỷ rồi, lại càng đúng hơn nữa. Xác thân và trí óc của ta bây giờ không dự phần vào một phần nào trong những biến cố xa xăm ấy, vậy thì làm sao ký ức dùng chúng nó làm trung gian để phát hiện ra được?

Những thể trường tồn bất diệt theo chúng ta luôn luôn trong chu kỳ luân hồi là 3 thể thiêng liêng: tiên thể, kim thân và thượng trí.

Những thể thấp đã tan rã và trở về nguyên chất trước khi chúng ta đi đầu thai.

Chất khí mới làm cái trí, cái vía, và xác thân, 3 thể mới của ta kiếp nầy, thọ lãnh của Chơn Linh không phải những kinh nghiệm của quá khứ mà là những tư chất, những khuynh hướng, những năng lực, tức là những kinh nghiệm biến chất ra. Ý thức ta, sự ứng đáp tự nhiên của chúng ta, đối với những sự khêu gợi cảm tình và trí thức, việc chúng ta công nhận sức mạnh của một biện chứng hợp lý, sự tán đồng những nguyên tắc căn bản về sự phải và sự quấy, điều lành và điều dữ, đó là dấu vết của những sự kinh nghiệm mấy kiếp trước.



Nếu một người thuộc lớp trí thức thấp kém không thể bình phẩm được biện pháp hợp lẽ về toán học. Người nào kém về phần đạo đức thì không thể thấy được sự mạnh vô cùng của một lý tưởng cao siêu.

Có người thấu đáo và áp dụng lẹ làng một triết học hay một khoa học; người khác lại có một nghệ thuật mà không học trước, như thế là ký ức phát triển năng lực của nó, mặc dầu công việc tập sự kiếp trước đã bị lảng quên.

Platon nói rằng: “Đó là sự sực nhớ lại.”

Nếu chúng ta cảm thấy thân mật với một người lạ, khi chúng ta mới gặp lần đầu tiên, ký ức ở tại đó, linh hồn biết rằng đó vốn là bạn thân của mình kiếp trước. Khi chúng ta tránh xa một người lạ, khi ta mới thấy y, ta dội ngược lại, ký ức cũng ở tại đó, linh hồn biết rằng anh đó là kẻ thù ngày xưa.

Sự quen thuộc cũng như sự báo trước nầy vốn do tâm linh mà ra, mà tâm linh vốn là ta vậy. Chúng ta nhớ lại, mặc dầu trí chúng ta làm việc, ta không thể ghi ký ức ta vào đó được. Trí và óc kiếp nầy đều mới, linh hồn cung cấp cho cái trí, những kết quả của quá khứ chớ không phải ký ức của những biến cố đó. Như một nhà buôn, cuối năm khoá sổ và khi bắt đầu vô sổ mới, đâu có ghi tất cả những điều mục trong sổ cũ, mà chỉ ghi những kết số các khoản tiền; cũng thế đó, linh hồn chỉ ghi vô trí mới những sự xét đoán mới của nó về những kinh nghiệm đời sống đã qua, và luôn những kết luận cùng những quyết định của nó. Ấy là số dự trữ truyền lại cho kiếp mới, được gọi là động sản trí thức cho cái nhà mới; dĩ nhiên đó là một ký ức thật sự.

Người đã tiến hoá, những tài sản nầy thật phong phú và khác nhau, nếu người ta so sánh chúng nó với những sở hữu tương xứng của kẻ dã man thì giá trị của một ký ức lâu đời thấy rõ ràng. Không có cái trí nào chứa đựng được ký ức những biến cố của nhiều kiếp, trái lại, khi chúng nó cụ thể hoá thành những sự phán đoán đạo đức và trí thức rồi, có thể dùng chúng nó được. Cả trăm tội sát nhân đều quyết định: “Tôi không bao giờ nên giết ai cả.” Sự nhớ lại mỗi tội sát nhân là một gánh nặng vô ích, nhưng sự xét đoán rút ra ở những kết quả của chúng nó, (nghĩa là, quan niệm tự nhiên rằng: đời sống con người là thiêng liêng) làm ra ký ức của sự sát nhân nầy ở nơi con người văn minh.

Đôi khi người ta nhận thấy ký ức của những biến cố kiếp trước; mấy đứa trẻ thấy thoáng qua ở chỗ nầy, chỗ kia, những việc kiếp trước của nó nhờ vài sự biến cố hiện tại nhắc nhở. Đây là một trẻ nhỏ nước Anh, khi nó thấy những hình tượng lần thứ nhứt thì nó bỗng nhớ lại kiếp trước của nó là một nhà điêu khắc. Kìa là một trẻ Ấn Độ lại biết một cái rạch mà nơi đó nó bị chết chìm, lúc nó còn nhỏ, hồi kiếp trước, và nó còn biết người mẹ kiếp trước của nó nữa. Người ta đã ghi chép rất nhiều trường hợp nhớ lại những chuyện kiếp trước như vậy.Vả lại ta có thể nhớ lại chuyện kiếp trước, nhưng phải cần sự cố gắng liên tục tham thiền lâu ngày, nhờ đó trí huệ lúc trước hiếu động và luôn luôn cố ý muốn thoát ra ngoài, nay bị kiểm soát và trở nên yên tịnh để hiểu biết được Chơn Linh, hoà hợp với nó, và nhờ nó cho biết ký ức kiếp trước, chỉ khi nào ta nghe được tiếng nói còn yếu ớt của Chơn Linh, thì chuyện kiếp trước mới trải ra trước mắt ta, vì chỉ Chơn Linh mới nhớ lại được và phóng ra những tia sáng của ký ức để soi sáng sự tối tăm của bản tánh thấp hèn và thường thay đổi mà tạm thời nó bị kết chặt vô đó.

Trong những điều kiện như thế, có thể nhớ lại được nhờ những dây liên lạc quá khứ, nhận biết các bạn thân thuở xưa, diễn lại những tấn tuồng kiếp trước trong khi thực hành sự kinh nghiệm về sự trường tồn bất diệt nầy, có một sức mạnh và một sự an tĩnh không thể hình dung được từ trong tâm phát ra. Những sự buồn phiền hiện tại trở nên nhẹ nhàng, khi ta thấy mặt thật của nó trong khuôn khổ những biến cố tầm thường và nhất thời đối với một đời sống vô cùng, vô tận. Những lạc thú bây giờ mất hết màu sắc xán lạn, khi người ta hiểu rằng: chúng nó chỉ là những sự vui vẻ của quá khứ lặp lại mà thôi. Sự buồn, vui đều được thừa nhận ngang hàng như nhau với tư cách là những kinh nghiệm hữu ích để làm cho tâm và trí được phong phú và góp sức vào sự phát triển đời sống.

Khi sự vui sướng và sự đau khổ được thấy với ánh sáng trường cửu (chỉ chừng đó mà thôi, chớ không phải như trước) thì có thể đương đầu với những kỷ niệm cấp bách kiếp trước mà không sợ nguy hiểm, khi đó những kỷ niệm nầy trấn tĩnh những cảm xúc hiện thời và những điều mà có thể làm cho ta tan nát sẽ thành một chỗ nương dựa và một sự an ủi. Ông Goethe rất vui thích khi ông nghĩ rằng lúc ông đầu thai lại cõi trần ông sẽ quên hết những chuyện kiếp trước của ông; những người kém trí lực có thể vừa lòng về sự khôn ngoan của mình, trong mỗi kiếp sống mới trên con đường thích hợp với mình, sự khôn ngoan nầy nhờ những kết quả của những việc đã xảy ra kiếp trước bồi bổ thêm, chớ không phải bị tràn ngập những biến cố kiếp trước.

Trích trong cuốn "Bí Ẩn của Nhân Sinh" của Annie Besant

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét