Bài viết

Tiêu chuẩn về đạo đức - Thích Nhất Hạnh

4/08/2011 06:38:00 CH

Đạo đức học là một môn học cần tới tư duy, lý tính. Đạo đức học có mục đích tìm ra cái gì là cái cần làm, cái gì là cái không nên làm, không được làm. “What is the right thing to do?”. Khi nói đến đạo đức học tiêu chuẩn “normative ethic”. Thì chúng ta phải nói tới tiêu chuẩn khổ - vui. Những cái gì đem lại cái khổ thì chúng ta không nên làm. Những cái gì đem lại cái vui thì ta có thể làm. Đó là một trong những tiêu chuẩn. Nhưng tiêu chuẩn đó không tuyệt đối. Có những cái nhìn qua thì tưởng là khổ nhưng kỳ thực nó không phải là khổ. Tuỳ theo cách nhìn của mình mà cái đó là khổ hay không khổ. Ví dụ như chùi cầu tiêu, chùi cầu tiêu là khổ hay vui? Có những nơi dân cư rất nghèo khổ, họ không có cầu tiêu tiện lợi như mình để chùi. Có người có cầu tiêu nhưng hết xà bông nên không chùi được, có người có xà bông nhưng không có thời gian để chùi. Vì vậy cho nên đối với những người đó chùi cầu tiêu là một hạnh phúc. Có cầu tiêu để chùi, để rồi có cầu tiêu sạch mà đi thì trong khi chùi có thể có hạnh phúc. Còn nếu mình nói rằng “Mình như thế này mà phải đi chùi cầu tiêu à?” nghĩ thế thì tự nhiên mình đau khổ, buồn bực. Thành ra cái khổ hay là cái vui nó tuỳ theo mỗi người.

Ví dụ như chuyện đi học. Có nhiều đứa trẻ con nó đặt câu hỏi rằng: “Tại sao ngày nào cũng phải đi học? Chán quá!”. Nhưng những đứa khác lại nói: “Ôi, được đi học, sướng quá”. Thành ra cái khổ và cái vui không có giá trị tuyệt đối, nó tuỳ theo cái tâm của mình.

Khi uống rượu hay sử dụng ma túy thì có vui đấy chứ. Nó đem lại cảm giác khoái lạc. Cái đó là vui. Nhưng mà cái đó mình có nên làm hay không? Tại vì cái đó sẽ đem tới đau khổ trong tương lai. Vì vậy tiêu chuẩn về cái vui này cần phải xét lại. Chữ khổ và chữ vui chỉ có nghĩa tương đối.

Có những học thuyết đạo đức nói rằng cái gì đem lại hạnh phúc, thì hành động đó là hành động đúng, còn cái gì mà đem lại những khổ đau thì hành động đó là sai, không nên làm. Chuyện khổ vui là như vậy. Nhưng nội một chuyện định nghĩa thế nào là khổ, thế nào là vui cũng khó. Rồi còn cái khổ, chính bản thân cái khổ cũng là một yếu tố, làm nên cái vui. Chúng ta đã học về lý thuyết tương tức rồi. Làm sao mà có cái vui nếu không có cái khổ? Làm sao có cái phải nếu không có cái trái? Làm sao có cái sống nếu không có cái chết? Không có bùn thì không thể có sen. Vì vậy cho nên cái khổ đau đóng một vai trò khá là quan trọng để tạo ra niềm vui. Ví dụ như không bị đói thì mình không thể nào thấy được cái hạnh phúc khi ngồi vào mâm cơm có đầy thức ăn ngon. Phải đói ăn mới ngon.

Có những người thanh niên lớn lên chưa biết chiến tranh là gì, nên không biết sợ chiến tranh, thành ra sẵn sàng để gây chiến. Nhưng những người đã đi qua chiến tranh rồi thì thấy rõ ràng rằng chiến tranh là một cái không bao giờ nên có. Và những người ấy họ rất trân quý hòa bình. Họ không muốn đánh mất hoà bình. Vì vậy cho nên mỗi khi đi ngang qua một khổ đau thì người ta lớn lên một chút và người ta có khả năng nhận diện được hạnh phúc. Cho nên cái khổ cũng có giá trị tích cực của nó. Khổ đau cho ta những bài học rất giá trị. Chính nhờ khổ đau mà mình có thể phát khởi hiểu biết và thương yêu. Nếu không có hiểu và không có thương thì không thể nào có hạnh phúc được. Đó là cái thấy tương tức của đạo Bụt. Do đó, tiêu chuẩn về khổ vui không đủ để tạo dựng một nền đạo đức vững chãi.

Trich Những Đóng Góp Của Đạo Bụt Cho Nền Đạo Đức Toàn Cầu của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét