Chia sẻ

Trong câu hỏi... luôn có sẵn câu trả lời

7/02/2012 03:41:00 CH


Nếu chú ý quan sát chúng ta sẽ thấy trong hầu hết các câu hỏi đã có sẵn câu trả lời.


Khi một học trò hỏi: “Thưa thầy có phải trái đất quay xung quanh mặt trời không ạ? “ Thì chẳng phải câu trả lời đã có sẵn rồi đó, phải không: “Đúng, Trái đất quay xung quanh mặt trời, hoặc , “Không, Mặt trời quay xung quanh trái đất” hoặc, “Hai cái tương tác lên nhau “ v.v.

Trong một số loại câu hỏi khác, khi người hỏi đề nghị: “Xin làm ơn cho biết tính chất của nước”. Thông thường ngay trước hoặc sau câu hỏi đó cũng sẽ là một số quan điểm của người đó/hoặc/và ai đó được đưa ra về vấn đề rồi. Ví dụ trong câu hỏi trên thường người hỏi sẽ nói: “Thưa thầy con được biết nước là một chất lỏng, không màu, không mùi, không vị.. Xin thầy cho biết định nghĩa vậy đúng không ạ?”

Như vậy, tiềm tàng trong câu hỏi thường đã có sẵn câu trả lời. Nếu là một thầy giáo, người thuyết giảng nói chung, luôn biết rõ điều này để bám vào đó giúp người hỏi thấy rõ hơn vấn đề mà thôi.

Có một lần tôi được tình cờ tiếp kiến một nhà ‘hiền triết’ (hoặc gọi ông ta là ‘nhà kỳ quặc’ cũng được). Khi người bạn tôi hỏi ông về một vấn đề thì ngay lập tức ông hỏi lại: “Cô đứng trên bình diện nào để hỏi? Bình diện tương đối hay tuyệt đối? Bình diện của sự biểu hiện hay của tâm thức…”. Thế là người bạn tôi lúng túng. Đúng là ông ta kỳ quặc thật, nhưng ông ta..có lý. Hầu hết người đặt vấn đề đã không suy nghĩ kỹ câu hỏi trước khi muốn hỏi. Rất nhiều câu hỏi được hỏi ra một cách vội vàng, chưa suy xét kỹ, chỉ hỏi cho có… Thế nên nhà hiền triết đánh mạnh vào cái tâm đang cầu hỏi, có thực muốn hỏi về điều đó hay không, đã suy xét kỹ càng chưa?

Khi tôi lần đầu gặp Thầy, sư phụ của tôi bây giờ, câu hỏi của tôi được đưa ra cũng gặp phải câu hỏi ngược lại của Thầy: “Mục đích của con là gì?”. Khi thầy hiểu rõ mục đích của việc viếng thăm, mục đích của câu hỏi không phải để cho ‘thoả mãn sự tò mò’, mà mang tính ‘thiết thực’, cần thiết cho một việc có ý nghĩa thì câu trả lời luôn luôn toàn vẹn.

Bây giờ, trở lại câu hỏi bên trên về nước. Nếu thay nước bằng A, các tính chất bằng B, C, D, E, theo toán học ta sẽ được một câu hỏi: Có phải A=B+C+D+ E..Thử làm ngược lại xem nào, Một chất lỏng, không mùi, không màu, không vị… có phải là nước không? Như vậy, B+C+D+ E... có phải là A không? Đâu phải chỉ có nước mới có tính chất như vậy. Trong hoá chất biết bao hợp chất cũng có tính chất tương tự phải không?

Nếu là định nghĩa về một con người lại.. càng sai hơn! Cô A là người mũi cao, tóc nâu, 22 tuổi, tốt nghiệp học ĐH XYZ.. Nếu chuyển vế ngược lại, ta có đoán được đó là cô A không, hay có thể là cô B, cô C, cô D? Như vậy cô A là cô A, giống như nước là nước, vậy thôi, làm sao định nghĩa chính xác được đây. Tất cả càng giải thích càng đi xa hơn sự thực đang là. Tất cả chỉ mang tính tương đối do ngôn từ mang lại mà thôi.

Lão Tử có nói: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh”. Tức là “Đạo mà nói ra được thì không còn là Đạo. Danh mà nói ra được thì không còn là danh”. Thế nên ‘vô ngôn’ mới được coi là tiếng nói chân thực nhất của con người. Ngôn từ luôn là khiếm khuyết, mặc dù không có nó ta không thể diễn đạt một cách ‘tương đối’ về một việc hay một sự vật được.

Có một cách trả lời độc đáo đó là cách trả lời của Đức Phật mà ngay những người thuyết pháp giỏi luôn noi theo, đó là sự trả lời từ sự ‘không trả lời một cách trực tiếp’. Đức Phật thường đưa ra ví dụ để rồi từ ví dụ đó, người hỏi tự tìm thấy đáp án cho mình. Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ là những câu chuyện rất hay được thể hiện rõ những ý nghĩa của các bài kệ mà Người muốn răn dạy chúng sinh. Cách đó được gọi là Ngụ Ngôn, hay phương pháp trả lời Bắc Cầu. Thông qua cái này để nói đến cái kia. Thông qua cái kia để nói về cái này. Nhiều khi, cách sử dụng ấy giúp ta thấm thía hơn cả câu trả lời trực tiếp, vì nó tuỳ vào tâm người nghe mà tự ‘ngộ’. Nếu trả lời trực tiếp há chẳng phải là áp đặt sự hiểu của mình lên người khác đó sao!

Trong nhà Thiền thường xuyên có những công án, mà mới nghe qua ta.. chẳng hiểu gì. Ví dụ khi người đến hỏi Triệu Châu “Đạo Phật từ phương Tây sang Bắc có ý nghĩa gì”? ông ấy trả lời: “Cây Tùng trước sân”. Hay, có người hỏi Lâm Tế: “Bộ mặt trước khi bố mẹ sinh ra ta là gì” – ông ấy trả lời “Cái que gạt cứt”. Những câu trả lời đó mới nghe qua cứ tưởng không phải câu trả lời, hoặc người trả lời bị.. thần kinh. Nhưng nếu là người tu học, nhờ suy nghĩ sâu sắc các câu trả lời ấy, biết trở về với thực tại, mà đạt ngộ.

Trong Đạo Phật một câu hỏi luôn có.. hai ý đồng thời như sau:
A không phải là B
A không khác B

Kinh Bát Nhã là một ví dụ điển hình:
“Sắc bất dị không
Không bất dị sắc
Sắc tức thị không
Không tức thị sắc”

Vậy mới thấy từ hỏi đến trả lời thật nhiều điều thú vị.

Tóm lại, nếu không biết rõ câu hỏi của mình và nếu mục đích hỏi nhằm cho sự lớn lên của bản ngã, của cái tôi cao ngạo, thì tốt nhất là nên giữ im lặng. Im lặng và lắng nghe. Khi tâm hoàn toàn yên ắng, vắng bặt cái tôi, tự khắc câu trả lời sẽ hiện lộ. Đó mới chính là câu trả lời chân thật nhất.

Như Hải 2/7/2011

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét